Xã Yên Bình nằm ở phía bắc huyện Vĩnh Tường, là địa phương thuần về nông nghiệp với diện tích đất tự nhiên gần 627,7ha. Trong đó, diện tích đất canh tác là 427ha, chủ yếu là trồng lúa.
Phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, người dân xã Yên Bình đã mạnh dạn trồng các loại cây ăn quả như nho hạ đen, nho sữa, nho mẫu đơn... Trong đó, nho mẫu đơn có nguồn gốc từ Nhật Bản, giá đắt đỏ, đem lại giá trị kinh tế cao.
Theo người dân thôn Nội, trước đây, mô hình trồng lúa chỉ cho thu nhập tối đa 2 tạ/360m2/vụ, trừ chi phí chỉ mang về hơn 2 triệu đồng. Từ khi chuyển đổi giống cây trồng, tuy mức đầu tư và chi phí cao hơn nhưng bù lại, thu nhập tốt hơn hẳn. Thổ nhưỡng vùng đồng quê xã Yên Bình phù hợp với các giống nho khi cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.
Vườn nho của gia đình bà Lan ở thôn Nội, xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Nhị TiếnBà Trần Thị Lan ở thôn Nội là một trong những hộ dân tiên phong chuyển đổi cây trồng và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, tổng diện tích trồng nho của gia đình bà là khoảng 1.000m2.
“Gia đình tôi đầu tư trồng nho từ năm 2020. Thời gian đầu rất khó khăn, giống cây trồng mới mình chưa hiểu cách chăm sóc. Chị em tôi tìm thông tin trên mạng, rồi tìm hiểu từ những người có kinh nghiệm lâu năm, dần đúc kết thành phương pháp của riêng mình. Mỗi nhà lại truyền cho nhau một ít kinh nghiệm, dần dà chúng tôi hiểu cây nho, hiểu cách chăm sóc”, bà Lan kể.
Giờ đây, vườn nho của nhà bà Lan đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Giống nho càng lâu năm quả càng ngon và cho năng suất càng cao.
“Năm đầu tiên cây bói quả chỉ đủ cho gia đình ăn thử và chia một ít cho anh em họ hàng. Từ năm thứ hai đã cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng trên diện tích đất hơn 1.000 m2. Đến năm thứ ba, thu nhập cao gần gấp 3 lần năm thứ hai. Dự tính năm nay, vườn nho sẽ mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng, cao gấp 30 lần trồng lúa”, bà Lan cho hay.
Bà Lan bên vườn nho gia đình mình. Ảnh: Nhị TiếnKhông chỉ nhà bà Lan, các hộ xung quanh cũng có thu nhập cao từ cây nho.
Với diện tích trồng nho khoảng 10.000m2, mỗi năm, vườn nho mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Vũ Văn Yên trên 1 tỷ đồng.
Ông Yên kể: Ý tưởng trồng nho mẫu đơn xuất phát từ việc một lần ông được ăn giống nho xứ ôn đới thấy rất ngon. Ngay lập tức, ông nghĩ đến việc trồng thử nghiệm bởi có thể loại nho này sẽ phù hợp với mảnh đất quê hương.
Sau đó, ông Yên trồng thêm giống nho hạ đen, bước đầu thành công. Ông thuê thêm đất, mở rộng diện tích cây trồng. Vốn đầu tư ban đầu gồm làm giàn, mái che, hệ thống tưới tiêu,... hết khoảng 200 triệu đồng/1.000m2.
Mỗi năm, giống nho hạ đen cho thu hoạch 2 vụ, nho mẫu đơn cho thu hoạch 1 vụ. “Mỗi hecta trồng nho gia đình tôi lãi tiền tỷ là chuyện bình thường”, ông Yên nói.
Cây nho đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình bà Lan. Ảnh: Nhị TiếnÔng Yên chia sẻ, giống nho được bà con trong xã ưu tiên trồng là nho mẫu đơn, được ông nhập từ nước ngoài về. Kỹ thuật trồng nho được bà con đúc rút rồi cũng đưa lên các trang mạng xã hội, từ đó tham khảo lẫn nhau.
Giống nho mẫu đơn được xem là một trong những loại nho ngon nhất thế giới. Loại nho này có giá trị dinh dưỡng cao và giá thành bán tại Việt Nam dao động từ 600.000-800.000 đồng/kg.
Người dân thôn Nội đã dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin và nghiên cứu, thử nghiệm cách trồng nho mẫu đơn sao cho phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu miền Bắc. Để giúp cây nho sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều hộ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt bán tự động, căng giàn, làm mái vòm nilon trong suốt và bạt che phủ gốc cây.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Tường, thông tin, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng nho mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cây trồng của huyện Vĩnh Tường.
"Do chưa có quỹ đất nên huyện chưa thể quy hoạch thành một vùng trồng rộng lớn, nên việc trồng nho phát triển như một mô hình điểm", ông Bằng cho hay.